Cùng với khái niệm phế liệu, Luật BVMT 2005 đề cập tới khái niệm chất thải như là một khái niệm độc lập với khái niệm phế liệu.
Ngày đăng: 04-10-2014
3,079 lượt xem
Luật môi trường Việt Nam đã đưa ra định nghĩa chất thải tại khoản 10 Điều 3 Luật BVMT 2005 như sau: "Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”.
Theo định nghĩa này, vật chất sẽ trở thành chất thải khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
Thứ nhất, chất thải là vật chất, có thể tồn tại dưới những dạng như rắn, lỏng, khí hoặc các dạng khác. Những yếu tố phi vật chất không thể là chất thải. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những yếu tố cấu thành môi trường theo pháp luật môi trường.
Thứ hai, vật chất bị chủ sở hữu thải ra trong các hoạt động của mình, cả trường hợp chủ động và bị động, sẽ trở thành chất thải.
Thứ ba, vật chất sẽ tồn tại dưới dạng chất thải kể từ khi chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp thải ra cho tới khi con người đưa nó vào sử dụng trong một chu trình sản xuất hoặc chu trình sử dụng khác.
Cách tiếp cận của Luật BVMT 2005, nếu đưa ra được những tiêu chí rõ ràng cho việc phân biệt chất thải với phế liệu, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và áp dụng các quy định trong hoạt động quản lý chất thải, phế liệu, trong đó có hoạt động nhập khẩu phế liệu. Từ những phân tích ở trên, khái niệm chất thải và khái niệm phế liệu được đề cập tại Luật BVMT 2005 có những sự khác biệt sau đây:
Thứ nhất, các yếu tố có thể trở thành chất thải bao gồm các loại vật chất trong đó có sản phẩm và vật liệu, là yếu tố có thể trở thành phế liệu.
Thứ hai, với trường hợp trở thành phế liệu, việc từ bỏ giá trị, công dụng của chủ sở hữu vật chất mang tính chủ động. Trong trường hợp chất thải, việc từ bỏ giá trị công dụng của chủ sở hữu vật chất bao gồm cả trường hợp chủ động và bị động.
Thứ ba, khái niệm chất thải không đề cập tới mục đích sau quá trình thải ra và pháp luật coi thu hồi là một trong những nghĩa vụ của người sản sinh chất thải. Trong khi đó, mục đích "được thu hồi dùng làm nguyên liệu sản xuất" là một tiêu chí của khái niệm phế liệu. Tiêu chí "được thu hồi dùng làm nguyên liệu sản xuất" là tiêu chí mang tính định tính.
Chúng ta khó có thể đánh giá được một chất thải cụ thể được thu hồi có thể "dùng làm nguyên liệu" cho một chu trình sản xuất nào đó, được thực hiện ở đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam hoặc trên thế giới hay không. Pháp luật quốc tế về môi trường và pháp luật các quốc gia không sử dụng tiêu chí này để xác lập khái niệm phế liệu và từ đó không phân biệt phế liệu với chất thải mà chỉ sử dụng khái niệm duy nhất: chất thải , kể cả trong trường hợp thu hồi để tái chế, tái sử dụng và trường hợp thu hồi để xử lý. Theo phụ lục I của Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hiểm qua biên giới và việc tiêu hủy chúng, hoạt động thu hồi để tái sử dụng cũng là một công việc tiêu hủy và vì vậy vật chất thải ra của các hoạt động khác nhau nhưng được thu hồi "dùng làm nguyên liệu" cũng là chất thải.
Căn cứ vào khả năng sử dụng của chất thải, có thể phân loại chất thải thành hai loại: chất thải không còn giá trị sử dụng và chất thải còn khả năng sử dụng vào sản xuất phế liệu.
Từ đây có thể khẳng định rằng, nội hàm của khái niệm chất thải rộng hơn và bao trùm cả khái niệm phế liệu. Hay nói một cách khác, phế liệu là một dạng của chất thải.
Gửi bình luận của bạn